Âm nhạc ảnh hưởng đến tư duy logic và toán học của bé

Tôi để ý, khi bé ngủ, tôi cho nghe nhạc thì bé ngủ sâu hơn. Những khi bé khóc, tôi bật nhạc một lúc là bé không khóc nữa và bắt đầu tập trung chú ý. Xin hỏi bác sĩ cho bé nghe nhạc nhiều như thế có ảnh hưởng gì không?

Con gái tôi được một tuổi, bé sớm tỏ ra nhanh nhẹn và rất tinh nghịch. Tôi thường cho con nghe rất nhiều thể loại nhạc khác nhau vào mỗi sáng khi bé thức giấc và buổi tối trước khi bé ngủ. Ở lứa tuổi của bé, tôi nên lựa chọn những loại nhạc gì và cho bé nghe như thế nào cho hợp lý? (Đinh Lan, quận Tân Phú, TP HCM)
 Trả lời
Nhiều nghiên cứu cho thấy âm nhạc có tác dụng rất lớn đến sự phát triển trí não của trẻ. Vì khi nghe nhạc, vùng não được kích thích cũng chính là vùng có ảnh hưởng đến khả năng tư duy logic và toán học nên sẽ rất tốt cho khả năng học hỏi của bé sau này. 

Đặc biệt, khi trẻ chơi một nhạc cụ nào đó sẽ có sự phối hợp của nhiều chức năng trong hoạt động não bộ: tế bào thần kinh thị giác, thính giác được kích thích dẫn truyền xung động thần kinh về não. Thông tin được não xử lý sẽ truyền về cơ quan đáp ứng giúp các ngón tay của bé sử dụng nhạc cụ chính xác hơn khéo léo hơn.
Hơn nữa, một phân tích tổng hợp với 15 nghiên cứu về tác động của âm nhạc cho thấy rằng, trẻ em học nhạc có khả năng về không gian và thời gian tốt hơn những trẻ không học nhạc (Hetland, 2000). Em bé 2 ngày tuổi đã nhận biết được âm thanh và phản ứng lại. Hai tháng tuổi, trẻ đã thích nghe nhạc hòa tấu và tiếng hát.
Việc cho trẻ làm quen với âm nhạc là hoàn toàn cần thiết, bạn nên lựa chọn những loại nhạc phù hợp với độ tuổi. Với trẻ một tuổi, trò chơi âm nhạc ngoài việc phát triển các giác quan còn phát triển thêm khả năng phối hợp mắt - tay, sử dụng các kỹ năng của ngón trỏ như dàn đàn gỗ, trống gõ, chuông lắc các loại…. Hợp lý nhất là loại nhạc bé thích, không giới hạn thời gian trừ lúc ngủ nhưng có thể nghe trước khi đi ngủ với loại nhạc êm dịu, như thế sẽ giúp bé thoải mái hơn, từ đó dễ ngủ hơn.
Ngoài ra, bạn cũng cần chú ý đến dinh dưỡng hợp lý cho bé vì đây là nền tảng cho mọi sự học hỏi và phát triển của trẻ.
 Bác sĩ Thái Thanh Thủy
Trưởng khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 2

Trẻ thông minh càng phải dạy dỗ cẩn thận hơn

Thấy chị hai bị thằng cu Bim nhà kế bên bắt nạt, Tí Nị (vừa hơn 2 tuổi) đang say sưa với bình sữa bỗng dưng quay ngoắt, chạy đến dùng hết sức đấm vào lưng Bim một cái rồi quay qua hét thật to: “Mày coi chừng tao nha!”.

Trước những ứng xử khá “nhạy” và thông minh của con mình, tôi vô cùng hạnh phúc và càng tức cười hơn vì ngôn ngữ trẻ thơ ngộ nghĩnh. Tuy nhiên tôi cũng có phần hơi lo lắng, những hành động như vậy rõ ràng không phù hợp với độ tuổi của Tí Nị nhà tôi. Và tôi càng ý thức hơn cái việc con thông minh, không phải chỉ nuôi bằng cách bổ sung những dưỡng chất quan trọng mà còn phải dạy để con có được những suy nghĩ và kỹ năng sống phù hợp.

Tôi đã dạy cho con mình gọi những đứa trẻ khác bằng tên, hoặc xưng bạn thay vì “mày - tao”. Tí Nị mới đầu cũng thắc mắc và tôi cũng giải thích cho con mình hiểu vì sao phải thay đổi cách xưng hô như thế. Tôi luôn khuyến khích Tí Nị mời những đứa trẻ hàng xóm sang nhà chơi và tôi cũng bỏ ra rất nhiều thời gian để quan sát cái cách mà bọn trẻ “ xã giao” với nhau. Thỉnh thoảng tôi cũng tham gia vào trò chơi của bọn trẻ, tạo điều kiện cho chúng thấy rằng người lớn dù có mạnh hơn nhưng nếu trẻ con biết kết hợp với nhau vẫn có thể dành chiến thắng. Phải công nhận là những trò chơi tập thể như thế có thể giúp trẻ phát triển tư duy và ý thức xã hội rất nhiều. Tôi thấy con mình đã bắt đầu biết chia sẻ những cái kẹo, hộp bánh với những đứa bạn hàng xóm, nhưng vẫn không quên thỏ thẻ xin phép tôi, và mỗi lần như thế, tôi trìu mến gật đầu và không quên đặt một nụ hôn lên gương mặt thiên thần bé bỏng của mình như một cách động viên khuyến khích con.

Có một điều rất quan trọng, tôi căn dặn những người thân trong gia đình không cười khuyến khích trước những “lời hồn nhiên” của Tí Nị. Trẻ con nhạy lắm, nếu như chúng ta thấy những hành động và lời nói của chúng ngộ nghĩnh và cười thích thú thì chúng sẽ nghĩ rằng điều đó đang được tán dương và cứ thế phát huy nhưng điều tệ hại là đôi khi những hành vi đó không phù hợp với độ tuổi và suy nghĩ của con nít. Và tôi cũng đã thấy nhiều cha mẹ từng than thở rằng đôi khi ngượng trước mặt bạn bè khách khứa chỉ vì “bịt miệng không kịp” con mình. Tôi nghĩ rằng các bậc cha mẹ cũng phải nên lưu ý vấn đề này.
Tương tự như thế, khi kể để kích thích Tí Nị phát triển ngôn ngữ, tôi đặc biệt quan tâm đến văn phong trong truyện. Tôi thường nhấn mạnh “bạn khỉ”, “bác gấu”… dù chúng chỉ là những con vật trong truyện. Nhiều lúc Tí Nị kêu con Milu nhà hàng xóm là “chị chó!” và xưng em rất ngọt xớt, làm cả xóm có những tràng cười mà Tí Nị cũng tỏ vẻ khoái chí, cứ chạy lung ta lung tăng sà vào lòng người này người kia.

Bạn bè của tôi còn lập ra một hội “nuôi con”. Chúng tôi chia sẻ với nhau những kinh nghiệm nuôi dạy con, cho lũ trẻ chơi với nhau, và chuyền tay nhau những chương trình phù hợp với trẻ. Phải công nhận là âm nhạc và truyền hình ảnh hưởng đến trẻ rất nhiều và tôi cũng luôn quan tâm đến vấn đề này. Tôi chỉ cho Tí Nị nghe nhạc thiếu nhi, hạn chế tối đa con mình tiếp xúc với các thể loại nhạc “teen” bây giờ, cũng như hiếm khi cho Tí Nị xem các chương trình truyền hình quá 90 phút mỗi ngày.

Rất là khó để kiểm soát những ảnh hưởng của truyền hình đối với trẻ, nên thà là mình chăm con kỹ một tí, đỡ phải dạy con hư sau này! Những chương trình cổ tích thiếu nhi tôi cũng “ kiểm duyệt” khá chặt chẽ. Tôi thấy dạo gần đây một số chương trình mang tiếng dành cho thiếu nhi nhưng lời lẽ đã thấm nhuần những suy nghĩ người lớn và có thể làm trẻ thêm hư, điều này tôi thấy một số phụ huynh cũng đã đồng tình. 

Tuần rồi nhà có tiệc, tôi lu bu ở dưới bếp mà quên mất bọn trẻ đang chơi ở trong phòng. Tí Nị chạy xuống gọi mẹ trong khi cái miệng vẫn ngoặm chặt bình sữa: “Mẹ ơi, anh Bim ăn hiếp chị Hai kìa…”. Không phải tự dưng mà Tí Nị đã thay đổi cách ứng xử như thế đâu nhé, đó là cả một quá trình tôi rèn luyện cho con mình đó!
Lê Thị Huệ

Thầy giáo không biên chế

Tiền công các thầy được trả bằng mớ rau, mớ cá. Niềm vui của các thầy là được nhìn thấy người dân địa phương nhờ con chữ mà dần xóa đi nghèo đói, trẻ em nhờ con chữ mà nên người.

Ở xã Phú Đa (Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) có một người thầy rất đặc biệt. Bị khuyết tật, lên lớp phải chống nạng, đi xe lăn nhưng cái dáng lưng còng của thầy Nguyễn Trai, 51 tuổi, ở thôn Thanh Lam đã quá quen thuộc với người dân nơi đây. Trong căn nhà vừa là chỗ ở vừa là lớp học, hàng ngày đều vang lên tiếng học bài ê a, thầy giáo lụi cụi cầm tay luyện từng nét chữ cho trò.
Thầy Trai kể, bây giờ lớp chỉ còn 9 em bị thiểu năng trí tuệ chứ cách đây hơn 20 năm, thầy dạy học cho hầu hết học sinh trong vùng, đêm đến lại chong đèn xóa mù chữ cho người lớn.
Thầy Nguyễn Trai và lớp học của mình. Ảnh: Nguyễn Đông.
Thủa nhỏ, Trai là người may mắn nhất trong làng khi được bố mẹ cho đi học. Nhưng cánh cửa cuộc đời như khép lại khi năm lên lớp 9, Trai gặp bạo bệnh rồi bị liệt toàn thân. “Ngày một mình tập ngồi dậy được, tôi đã khóc vì ngồi dậy đồng nghĩa mình có thể làm một việc gì đó”, thầy Trai kể.
Năm 1987, người dân ngỡ ngàng khi biết tin Nguyễn Trai mở lớp dạy học xóa mù chữ tại nhà. Ban đầu “bụt nhà không thiêng” nên lớp chỉ lèo tèo vài người. Nhưng rồi chính sự ân cần của thầy Trai đã thu hút hàng trăm người lớn đến học xóa mù chữ, trẻ em đến học vỡ lòng. Và đến giờ, thầy Trai không nhớ nổi đã dạy bao nhiêu học sinh, chỉ biết cả xã này nhà nào cũng có người đến học chữ của thầy. Có nhà thầy dạy bố mẹ, rồi đến lượt con cái.
Cầm những tấm ảnh chụp lớp học cũ cách đây 10 năm, nơi thầy và trò ngồi học trong cái lán rộng 15 m2 dựng ở giữa đồng, thầy Trai nhớ lại: “Mỗi lần mưa là thầy trò lại ngồi ôm nhau vì nước mưa dột lỗ chỗ, dưới nền là đất nhớp nháp. Năm 2005, một nhà hảo tâm giúp thầy dựng căn nhà, thầy và trò có lớp học khang trang".
Điều thầy Trai lấy làm ấm lòng nhất chính là “những đứa trẻ ngỗ ngược trong làng đã viết được chữ đồng nghĩa với việc đã biết làm người. Người lớn trong làng biết tự mình ký tên vào giấy vay vốn ngân hàng lấy vốn phát triển kinh tế hay đăng ký kết hôn chứ không phải nhờ người ký hộ như trước”.
Tranh thủ những lúc nghỉ dạy, thầy lại chống nạng với công việc đồng áng nuôi thân. Ảnh: Nguyễn Đông.
Nhiều em hay bỏ học khiến thầy trăn trở rất nhiều. Thương trò nhưng thân mình tật nguyền nên thầy Trai không thể đến từng nhà vận động, chỉ biết nhắn giùm phụ huynh. “Dù lớp còn một học trò tôi vẫn dạy, vì khi đó mình vẫn có ích cho xã hội”, thầy Trai quả quyết. Có hôm trời mưa, học trò không đến lớp, thầy Trai lại chống nạng gỗ đứng nhìn ra ngõ vì nhớ trò.
Xuôi về lớp học tình thương của thầy Trần Văn Hòa nằm giữa đầm Sam xã Phú Mỹ (Phú Vang) trong cái nắng chang chang, hàng chục học trò U 30-40 đang được thầy tập viết từng nét chữ. “Buổi trưa người lớn trong vùng học xóa mù chữ, còn hai buổi sáng và chiều là lớp ghép 1-2 và 3-4”, thầy Hòa cho biết.
Lớp học của thầy Hòa được bố trí hai chiếc bảng đen ngược chiều nhau. Hết giảng bên này thầy Hòa lại chạy vòng qua bên kia. “Vì học ghép lớp nên phải bố trí như thế”, thầy Hòa giải thích.
Lo lắng cho tương lai những đứa trẻ không được học hành rồi cuộc sống lại bấp bênh trên con phá mưu sinh như bao thế hệ vạn đò, với vốn kiến thức của 12 năm học, thầy Hòa quyết định mở lớp học tình thương ngay tại nhà, đó là năm 1990. Quê nghèo khát chữ, chẳng mấy chốc lớp học của thầy đã kín chỗ và đi vào nề nếp. Đến nay, nhiều em đã là sinh viên đại học, giáo viên tiểu học…
Mới đầu chỉ định mở lớp cho trẻ em, sau thấy người lớn trên vùng phá Tam Giang đa phần không biết chữ nên thầy Hòa mở thêm lớp xóa mù cho bà con. Học phí là những mớ tôm, mớ cá bắt được ngoài phá người dân mang đến biếu. "Nhờ thầy mà những ngư dân chúng tôi biết đọc chữ, biết ký tên mà vay vốn ngân hàng. Chúng tôi mang ơn thầy Hòa nhiều lắm”, chị Đinh Thị Hạnh, một tay khệ nệ bế con, một tay được thầy Hòa hướng dẫn viết chữ, thật thà nói.
“Việc thầy làm cũng bình thường thôi, nhưng vui và hạnh phúc. Thầy không mong mỏi vật chất gì từ phụ huynh hay học sinh, chỉ mong các em học giỏi, ngoan ngoãn, lễ phép, người lớn biết chữ mà bớt khổ”, thầy Hòa tâm sự.
Từ chỗ không có bằng cấp, thầy Hòa đã phấn đấu học chứng chỉ nghiệp vụ Sư phạm để nâng cao trình độ. Năm 2000, Hội Cứu trợ trẻ em không cha mẹ (ACWP) đã hỗ trợ thầy Hòa dựng lớp học kiên cố cho các em vạn đò ở đầm Sam. Giờ lớp học của thầy đã là lớp phổ cập theo chương trình học phổ thông, lớp ghép nhưng nhiều khi thầy Hòa vẫn “ôm sô” cả ba buổi sáng - trưa - chiều. “Dạy hàng chục năm như thế này rồi nên cũng quen”, thầy giáo làng 52 tuổi cười bảo.
Thầy Trần Văn Hòa và lớp học xóa mù chữ cho người lớn trong vùng. Ảnh: Nguyễn Đông
Hơn 20 năm gắn bó với nghề dạy học nhưng ngày 20/11 chưa một lần các thầy được nhận hoa hay lời chúc mừng từ học trò. “Đơn giản vì các em nhà đều nghèo, lại chưa có tiền lệ học trò tặng hoa cho thầy nên thầy vẫn chưa có ngày Nhà giáo Việt Nam”, thầy Trai cười buồn giải thích.
Còn thầy Hòa rưng rưng khi nhắc đến ngày của mình: “Có ngày 20/11 thầy vẫn đứng lớp, tủi thân vì chưa một lần được nhận hoa của học trò”. Những năm gần đây, thầy Hòa được mời đi dự Ngày nhà giáo Việt Nam trên UBND xã và trường tiểu học Phú Mỹ, nhưng nhiều khi do trời mưa gió, đầm Sam là vùng thấp trũng, đến ngày 21/11 mới nhận được giấy mời.
Ông Nguyễn Văn Huế, Trưởng phòng giáo dục huyện Phú Vang, không ngớt lời khen hai thầy: “Thầy Hòa và thầy Trai là những người có trách nhiệm, nhiệt tình, thương học trò. Nhờ các thầy mà nhiều học trò nghèo khó được học chữ, học làm người. Phía phòng cũng có chính sách hỗ trợ và thường xuyên động viên các thầy tiếp tục gắn bó với sự nghiệp trồng người”.
Nguyễn Đông

Đại học công lập chảy máu chất xám vì thiếu kinh phí

Tại hội thảo "Đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ sở giáo dục đại học công lập" sáng 29/11, lãnh đạo các trường cho rằng kinh phí nhà nước cấp chỉ đủ duy trì chứ không thể phát triển và đề xuất trao quyền tự chủ toàn bộ cho các đại học.

Hiệu trưởng ĐH Ngoại thương Hoàng Văn Châu cho hay, hiện trường có trên 700 cán bộ, giảng viên với 3 cơ sở đào tạo tại Hà Nội, TP HCM và Quảng Ninh. Trường được giao quyền tự chủ tài chính từ năm 2008, được phép tăng định mức và tăng lương thêm 2,5 lần.
"Ngoài ra, so với các trường, chúng tôi không được hưởng thêm quyền gì nên không tạo ra nguồn thu và không thể tăng lương được nhiều. Đó là nguyên nhân làm chảy máu chất xám, các giáo viên giỏi ra đi, dạy ở đại học tư thục hay các tổ chức tài chính ngân hàng có thu nhập cao hơn", ông Châu nói.
Vị hiệu trưởng cũng cho hay, nguồn kinh phí được cấp thấp khiến trường không có nguồn tích lũy để đầu tư về cơ sở vật chất, phục vụ việc dạy và học, đồng thời, không thể thực hiện được chế độ ưu đãi mà nhà nước dành cho giảng viên Mác-Lê Nin, giáo dục thể chất.
Bên cạnh đó, nhà trường lại không được tự chủ trong việc sử dụng các nguồn thu. Ví như cách đây không lâu, trường phải sắm phòng vi tính nhưng kho bạc không duyệt chi vì theo chủ trương là phải cắt giảm hành chính công. "Đây là sự bất hợp lý", ông Châu nói.
Hiệu trưởng ĐH Kinh tế quốc dân Nguyễn Văn Nam thì cho rằng các trường công lập, dân lập nên ngồi lại với nhau để có những ý kiến đồng điệu. Ông Nam cho rằng, "tự chủ" cũng cần xác định rõ tự chủ hoàn toàn hay tự chủ tài chính. Nếu là tự chủ tài chính thì chắc chắn phải tự chủ trong đào tạo, quản lý và nghiên cứu khoa học.
"Theo tôi nên có một cuộc họp của các trường. Cần xác định mỗi lĩnh vực có đầu tư khác nhau nên việc tự chủ thu chi cũng không thể giống nhau. Như ĐH Bách khoa phải đầu tư nhiều hơn ĐH Kinh tế quốc dân vì họ phải tốn nhiều tiền cho các phòng thí nghiệm", ông Nam nói.
Đồng tình với ông Nam, Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội Phùng Xuân Nhạ cũng cho rằng, mỗi trường, mỗi đơn vị có đặc thù riêng nên cần phân tầng các trường để có chi phí phù hợp. Nhà nước phải đầu tư đủ cho các ngành đào tạo khoa học cơ bản, còn những nhóm ngành đào tạo do nhu cầu xã hội thì xã hội phải chia sẻ.
Việc này cũng nên làm thí điểm, và phải có cam kết về trách nhiệm giữa nơi đào tạo với người sử dụng. Ông Nhạ nhấn mạnh, tự chủ cũng phải gắn liền với giám sát nếu không sẽ không đạt kết quả.
Số lượng học sinh tăng lên nhưng kinh phí từ ngân sách nhà nước không thay đổi nên chỉ có thể duy trì chứ không phát triển được chất lượng giáo dục. Ảnh: Hoàng Thùy.
PGS Phan Duy Minh, Trưởng bộ môn Tài chính Quốc tế (Học viện Tài chính) phân tích, doanh thu bằng sản lượng nhân với giá bán. Khi giá bán không thay đổi trong khi ta muốn tăng doanh thu thì phải tăng sản lượng. Như vậy, khi cơ sở vật chất vẫn như cũ nhưng sinh viên đông lên thì chất lượng sẽ giảm sút.
Ông Minh đề xuất, nhà nước nên cho phép các trường công lập, dân lập chỉ có một khung học phí. Việc tuyển dụng cũng nên lựa chọn kỹ càng, không nên nhìn vào bằng khá giỏi bởi việc chạy điểm là rất phổ biến. Nơi tiếp nhận lao động nên tuyển những người giỏi để gây sức ép trở lại cho cơ sở đào tạo, khiến họ phải làm tốt nhiệm vụ với xã hội, đất nước.
Hiệu trưởng ĐH Ngoại thương bày tỏ, việc tuyển sinh hệ ngoài ngân sách cần được khuyến khích. Theo ông, đây là hình thức xã hội hóa rất tốt, có lợi cho người học, nhà trường và Nhà nước. Ví dụ nhiều em khi không vào được ĐH Ngoại thương đã quyết định không vào các đại học tư thục mà đi du học nước ngoài hoặc học trường quốc tế tại Việt Nam. Như vậy, việc đại học công không tuyển đã vô tình tạo điều kiện cho các trường bên ngoài tuyển sinh hệ ngoài ngân sách.
Ông Châu chia sẻ, dù không có nguồn kinh phí nhưng nhà trường đã tận dụng việc huy động nguồn tài trợ của các doanh nghiệp, dự án từ nước ngoài để nâng cao cơ sở vật chất. Bằng cách này, nhiều phòng hội thảo, khuôn viên của trường đã trở nên khang trang… Bên cạnh đó, ĐH Ngoại thương cũng thực hiện tiết kiệm, tổ chức bộ máy quản lý gọn nhẹ, thắt lưng buộc bụng trong chi tiêu.
Hiệu trưởng ĐH Ngoại thương kiến nghị Bộ Giáo dục hãy cho phép nhà trường tự chủ về chỉ tiêu, phương thức tuyển sinh và tự quyết định về mức thu học phí. Ông nhận định, việc thu mức học phí cao hơn mức trần có thể hạn chế một bộ phận học sinh giỏi nhưng trường sẽ tìm cách khắc phục.
Ông cũng mong muốn trường được phép sử dụng chủ động các nguồn thu từ học phí cho các hoạt động mua sắm phục vụ cho học tập và giảng dạy, tự chủ về biên chế, thu nhập, được phép quyết định thành lập các đơn vị trực thuộc và tự chủ về hợp tác quốc tế.
"Nhà nước cần tăng cường đầu tư cho các trường công lập, đổi mới cơ chế phân bổ tài chính, nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước và đẩy mạnh hơn nữa xã hội hóa giáo dục", Hiệu trưởng Châu nói.
Hiệu trưởng ĐH Kinh tế đề xuất, bên cạnh việc trao quyền tự chủ, nhà nước cũng phải có cơ chế khoán. Ví như nhà nước trao tiền, khoán đề tài, nếu không nộp được sản phẩm thì phải nộp tiền phạt, hay khoán phải đào tạo được 500 sinh viên có chất lượng, nếu không làm được thì phải trả lại tiền.
Hoàng Thùy

Đưa kỹ năng giao tiếp vào trường học

Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) vừa hoàn thành chương trình học phần kỹ năng giao tiếp dành cho học sinh hệ trung cấp chuyên nghiệp với thời lượng 30 tiết.

Theo Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp Phạm Như Nghệ, kỹ năng giao tiếp là học phần tự chọn thuộc khối kiến thức chung trong chương trình đào tạo trung cấp chuyên nghiệp. Mục tiêu là giúp học sinh vận dụng được các kỹ năng giao tiếp trong gia đình, nhà trường, xã hội, trong tìm kiếm việc làm và tại nơi làm việc.
Đưa kỹ năng sống vào trường học giúp học sinh giao tiếp tự tin hơn.
Ngoài ra, sau khi hoàn thành môn học, học sinh còn thực hiện được một số kỹ năng như làm quen, lắng nghe, nói trước đám đông, giải quyết xung đột và khắc phục khó khăn trong giao tiếp.
Nội dung của học phần kỹ năng giao tiếp bắt đầu từ lý luận chung về kỹ năng giao tiếp, một số kỹ năng và vận dụng chúng để tìm kiếm việc làm.
Bộ Giáo dục đề nghị các đơn vị, cá nhân đóng góp ý kiến để hoàn thiện dự thảo về trụ sở Bộ ở 49 Đại Cồ Việt, Hà Nội hoặc gửi qua địa chỉ email: nttbinh@moet.edu.vn
Hoàng Thùy

6 học sinh giành huy chương khoa học trẻ quốc tế

Đoàn học sinh Việt Nam vừa kết thúc cuộc thi Olympic khoa học trẻ quốc tế lần thứ tám với 3 huy chương bạc, 3 huy chương đồng. Trong 4 lần tham dự, đây là lần đoàn Việt Nam đạt thành tích cao nhất.

 
Hình mang tính chất minh họa
 
Cả 6 thí sinh đi thi và đạt giải đều là học sinh trường THPT Hà Nội - Amsterdam. Lê Minh Đức, Trần Minh Tuấn và Vũ Đặng Minh Quân giành huy chương bạc, còn Nguyễn Văn Minh, Hoàng Trọng Nam Anh và Lương Việt Hoàng giành huy chương đồng.
Từ ngày 5 đến 10/12 tại TP Durban, Nam Phi, cuộc thi Olympic khoa học trẻ quốc tế lần thứ tám đã thu hút khoảng 600 thí sinh đến từ 46 đội tuyển của 45 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Từ năm 2004, cuộc thi được tổ chức thường niên ở 3 môn vật lý, hoá học và sinh học, dành cho học sinh phổ thông dưới 15 tuổi. Thí sinh phải trải qua các phần thi trắc nghiệm lý thuyết, luận lý thuyết và ứng dụng.
Đoàn Việt Nam do Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Văn Đại làm trưởng đoàn.
Kiều Trinh

7 đề án phát triển sư phạm

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận vừa có quyết định phê duyệt chương trình phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm từ năm 2011 đến năm 2020 qua 7 đề án khác nhau.

Bộ trưởng cho rằng, bên cạnh những thành tựu cơ bản thì các trường sư phạm vẫn còn một số yếu kém, bất cập như xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên, tổ chức thực hiện các hoạt động nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế.
Điều đặc biệt là các trường sư phạm còn chưa chú trọng đúng mức việc rèn luyện lý tưởng, phẩm chất đạo đức của sinh viên và đào tạo nghiệp vụ sư phạm. Bên cạnh đó, nội dung đào tạo sư phạm chưa đáp ứng yêu cầu của giáo dục phổ thông, giáo dục mầm non, chậm đổi mới phương pháp đào tạo và kiểm tra đánh giá kết quả học tập của sinh viên...
Ngành sư phạm sẽ được đổi mới thông qua 7 đề án. Ảnh: Hoàng Thùy.
Trước tình hình đó, Bộ trưởng quyết định thực hiện chương trình phát triển sư phạm thông qua 7 đề án. Trước hết là củng cố mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên, tăng cường cơ sở vật chất của các trường sư phạm, sau đó là phát triển đội ngũ giảng viên, đổi mới công tác quản lý và điều hành các cơ sở đào tạo giáo viên, nâng cao vai trò của các trường sư phạm trong công tác phát triển đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên.
Đồng thời, các đề án khác như tăng cường vai trò của các trường sư phạm trong công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục, nâng cao chất lượng hoạt động khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế của các trường sư phạm, kiểm định chất lượng các trường sư phạm cũng được thực hiện.
Mục tiêu của các đề án này là xây dựng các trường đại học sư phạm trở thành trung tâm sáng tạo, đổi mới căn bản và toàn diện ngành sư phạm cả nước, đảm sự đồng bộ trong việc xây dựng và triển khai thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới và chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015.
Các đề án sẽ được thực hiện qua hai giai đoạn: 2011- 2015 và 2016 - 2020. Kinh phí thực hiện được bố trí từ ngân sách nhà nước, các dự án do Bộ GD&ĐT quản lý cùng các nguồn hợp pháp khác.
Hiện nay, trong 133 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trên cả nước, có 14 trường đại học sư phạm và 39 trường cao đẳng sư phạm. Ở các trường đại học sư phạm hiện có gần 4.500 giảng viên, trong đó 5,2% có chức danh giáo sư, phó giáo sư, gần 14% có trình độ tiến sĩ, tiến sĩ khoa học và khoảng 49% có trình độ thạc sĩ. Ở các trường cao đẳng sư phạm hiện có hơn 3.500 giảng viên, trong đó chưa tới 1% có chức danh giáo sư, phó giáo sư, hơn 0,9% có trình độ tiến sĩ và gần 37% có trình độ thạc sĩ.
Hoàng Thùy