7 đề án phát triển sư phạm

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận vừa có quyết định phê duyệt chương trình phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm từ năm 2011 đến năm 2020 qua 7 đề án khác nhau.

Bộ trưởng cho rằng, bên cạnh những thành tựu cơ bản thì các trường sư phạm vẫn còn một số yếu kém, bất cập như xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên, tổ chức thực hiện các hoạt động nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế.
Điều đặc biệt là các trường sư phạm còn chưa chú trọng đúng mức việc rèn luyện lý tưởng, phẩm chất đạo đức của sinh viên và đào tạo nghiệp vụ sư phạm. Bên cạnh đó, nội dung đào tạo sư phạm chưa đáp ứng yêu cầu của giáo dục phổ thông, giáo dục mầm non, chậm đổi mới phương pháp đào tạo và kiểm tra đánh giá kết quả học tập của sinh viên...
Ngành sư phạm sẽ được đổi mới thông qua 7 đề án. Ảnh: Hoàng Thùy.
Trước tình hình đó, Bộ trưởng quyết định thực hiện chương trình phát triển sư phạm thông qua 7 đề án. Trước hết là củng cố mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên, tăng cường cơ sở vật chất của các trường sư phạm, sau đó là phát triển đội ngũ giảng viên, đổi mới công tác quản lý và điều hành các cơ sở đào tạo giáo viên, nâng cao vai trò của các trường sư phạm trong công tác phát triển đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên.
Đồng thời, các đề án khác như tăng cường vai trò của các trường sư phạm trong công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục, nâng cao chất lượng hoạt động khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế của các trường sư phạm, kiểm định chất lượng các trường sư phạm cũng được thực hiện.
Mục tiêu của các đề án này là xây dựng các trường đại học sư phạm trở thành trung tâm sáng tạo, đổi mới căn bản và toàn diện ngành sư phạm cả nước, đảm sự đồng bộ trong việc xây dựng và triển khai thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới và chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015.
Các đề án sẽ được thực hiện qua hai giai đoạn: 2011- 2015 và 2016 - 2020. Kinh phí thực hiện được bố trí từ ngân sách nhà nước, các dự án do Bộ GD&ĐT quản lý cùng các nguồn hợp pháp khác.
Hiện nay, trong 133 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trên cả nước, có 14 trường đại học sư phạm và 39 trường cao đẳng sư phạm. Ở các trường đại học sư phạm hiện có gần 4.500 giảng viên, trong đó 5,2% có chức danh giáo sư, phó giáo sư, gần 14% có trình độ tiến sĩ, tiến sĩ khoa học và khoảng 49% có trình độ thạc sĩ. Ở các trường cao đẳng sư phạm hiện có hơn 3.500 giảng viên, trong đó chưa tới 1% có chức danh giáo sư, phó giáo sư, hơn 0,9% có trình độ tiến sĩ và gần 37% có trình độ thạc sĩ.
Hoàng Thùy

0 Đề nghị

Rất mong phụ huynh các bé sẽ phản hồi từ bài viết. Hãy cùng Tôi trao đổi và tích lũy nhiều kinh nghiệm để nâng đỡ các bé trở thành những tài năng của đất nước!