Các bậc cha mẹ có đang nghĩ cho con?

Chúng ta thường dạy trẻ theo kiểu áp đặt, nghĩa là: Tất cả những gì bố mẹ nói là chân lý và các con phải có nghĩa vụ nghe theo. Nhưng người lớn cũng nhiều lúc sai lầm lắm chứ!

Trong một lớp tập huấn môn kỹ năng sống cho các giảng viên đại học chuyên ngành tâm lý, một giáo sư người Hà Lan có hỏi các học viên: “Anh chị đi đến đây bằng phương tiện gì?”. Rất nhiều người trả lời là đi ô tô. Vị giáo sư lại hỏi: “Thế ô tô của các vị giá bao nhiêu?”. Có người nói 300 triệu đồng, có người 500 triệu đồng, có người thì vài tỉ đồng.

Vị giáo sư gật gù: “Thế mọi người có đi học lái xe không?”. Tất cả đều trả lời: “Tất nhiên là có rồi, học nhanh nhất là vài tháng và chậm nhất là hơn 1 năm”.

Suy nghĩ một lát, giáo sư lại hỏi tiếp: “Mọi người ở đây đều đã có con cả chứ?”. Không ai hiểu ông giáo sư nước ngoài rút cuộc muốn nói điều gì nhưng vẫn gật đầu xác nhận. “Vậy con các vị đáng giá bao nhiêu ?” - giáo sư đưa mắt nhìn cả lớp. Mọi người cùng đồng thanh: “Con chúng tôi là vô giá”. Giáo sư cười cười: “Vậy các vị đã bao giờ đi học cách làm cha làm mẹ chưa?”. Không ai trả lời được câu hỏi hóc búa này.

Thực tế đã cho thấy, nhiều bậc phụ huynh ngày nay chưa tìm được cho mình một phương pháp dạy con hợp lý và có hiệu quả. Chúng ta thường dạy trẻ theo kiểu áp đặt, nghĩa là: Tất cả những gì bố mẹ nói là chân lý và các con phải có nghĩa vụ nghe theo. Nhưng người lớn cũng nhiều lúc sai lầm lắm chứ!

Con trai chị Lan (TP Bắc Giang) năm nay lên lớp 8, tự dưng lại đổi tính đổi nết. Trước đây cháu rất ngoan và nghe lời cha mẹ nhưng bây giờ, mẹ nói gì cãi nấy. Đau đầu nhất là vụ nó học mấy cậu choai choai lớp trên vuốt gel và nhuộm tóc đỏ hoe hoe, dựng đứng như lông nhím. Chị Lan vừa nhìn thấy đã nghiến răng ken két: “Trông có giống người không? Đua đòi lấc cấc!”, rồi lập tức lôi thằng bé ra cửa hàng nhuộm lại tóc. Nhưng chỉ được vài ngày, nó nhuộm lại màu khác. Cô giáo chủ nhiệm gọi điện phàn nàn, chị Lan cứ rát cổ bỏng họng nói con không được.


Ảnh minh họa

Tuy nhiên, chị không hiểu rằng, trẻ trong độ tuổi dậy thì có xu hướng bắt chước và học theo các thần tượng của mình về đầu tóc, cách ăn mặc. Mặt khác, ở trẻ dần hình thành tâm lý muốn làm đẹp. Vì vậy, nếu dạy con mà cứ áp đặt suy nghĩ của người lớn: Hễ nhuộm tóc là xấu, là hư hỏng rồi tìm cách trừng phạt, cấm đoán trẻ thì con không cảm thấy nể phục, mà còn cố tình làm trái lại để chứng tỏ bản thân.

Cũng ở trong tình cảnh giống chị Lan, nhưng chị Hà (quận Kiến An, TP Hải Phòng) lại có cách ứng xử thông minh hơn. Khi con khoe “quả đầu bốc lửa”, dù bực lắm nhưng hiểu con đang rất khoái chí, chẳng nghe phải quấy, chị cười tươi nhận xét: “Mẹ thấy kiểu tóc này cũng đẹp và hợp với con trai đấy. Nhưng mẹ nghĩ là khi nào được nghỉ hè, có thời gian đi chơi với các bạn, con hãy nhuộm tóc. Còn lúc tới trường, đầu tóc quần áo phải chỉn chu, thì mới phù hợp”. Con trai không bị hẫng, gật đầu đồng ý với mẹ. Thế là chỉ đến mùa hè, nó mới xin mẹ cho nhuộm tóc, gần vào năm học mới là cu cậu tự giác trả lại màu đen cho mái tóc.

Câu chuyện tưởng như đơn giản và bình thường thế thôi, nhưng nhiều phụ huynh không biết cách ứng xử khéo léo, làm cho mối quan hệ giữa cha mẹ con cái cứ ngày một căng thẳng, ức chế hơn. Muốn trẻ nghe theo mình thì cha mẹ cần hiểu con, nắm bắt được tâm lý của trẻ trong từng thời kỳ phát triển để có cách điều chỉnh phù hợp. Quan trọng nhất là đặt mình vào suy nghĩ của con để xem xét hành động của trẻ ở cả hai mặt tích cực và tiêu cực, đừng vội áp đặt suy nghĩ của mình lên con trẻ!

0 Đề nghị

Rất mong phụ huynh các bé sẽ phản hồi từ bài viết. Hãy cùng Tôi trao đổi và tích lũy nhiều kinh nghiệm để nâng đỡ các bé trở thành những tài năng của đất nước!